Tin tức chuyên ngành

Tâm sự của bác sĩ chuyên "nói lên tiếng nói của người chết"

7 năm trước | 2651

 

Nhiều năm nay, chuyên ngành bác sĩ pháp y ở khối trường đại học y luôn trong tình trạng “trắng sinh viên”. Điều đó khiến cho việc tìm bác sĩ làm ngành pháp y càng khó lên gấp bội.

Tâm sự của bác sĩ chuyên
Ảnh minh họa 

Bác sĩ của người chết 

Cận kề ngày 27/2, ngày Thầy thuốc Việt Nam, trong khi các đồng nghiệp được tri ân, được người bệnh nhớ tới, thì với các bác sĩ pháp y, nghề “Giúp người chết nói lên tiếng nói cuối cùng của đời mình phục vụ cho người sống” lại chẳng được mấy ai nhớ đến.

Bác sĩ chuyên khoa I – Cử nhân Luật Ngô Hường Dũng – Phó Viện trưởng Viện Pháp y quốc gia, Chủ tịch Hội Pháp y học Việt Nam, người đã có hơn 35 năm gắn bó với Chuyên ngành pháp y, tâm sự: Đây là nghề đặc thù và nó luôn có hai thái cực trong giám định.

Bên bị hại luôn muốn tăng thương, giả bệnh. Còn bên bị can luôn muốn tỷ lệ giảm đi để giảm thiểu trách nhiệm hình sự. Bởi vậy, họ luôn sẵn sàng mua chuộc bác sĩ pháp y, giám định viên. Nếu không tinh tường có thể làm oan sai.

Chính vì thế, bác sĩ pháp y phải luôn vững vàng trước mọi cám dỗ, ngay cả trước Toà, với đủ lý lẽ của luật sư, nếu bác sĩ pháp y không vững vàng trước sự thật thì cũng có thể bị “đánh quật”.

Bác sĩ Hồ Kim Châu – Viện Pháp y Quốc gia, tâm sự, không có nghề bác sĩ nào lại đi làm bạn với xác chết, mổ tử thi như bác sĩ pháp y và giải phẫu bệnh. Bao nhiêu năm gắn với nghề pháp y, bác sĩ Châu luôn giữ vững lập trường giám định khách quan nhất.

Tuy nhiên, cũng không ít lần bác sĩ giám định đưa ra kết luận nhưng người nhà phản bác bởi vì họ đi “gọi hồn” người chết lại không nói như thế. Những lúc đó, các bác sĩ luôn trăn trở “mình làm việc bằng khoa học, nhưng về tâm linh cũng không ai giải thích nổi”.

 
 
Bác sĩ Dũng trong lần đi giám định hài cốt.

Có nhiều lần đứng trước một vụ việc cần phải giám định, giải phẫu tử thi, bác sĩ pháp y thắp hương xin người quá cố cho họ đi tìm sự thật. Đúng như cái nghề mà họ vẫn nói “đi nói thay người chết”.

Bác sĩ Dũng kể, nhiều vụ việc cơ quan công an trưng cầu đến giám định, khi bác sĩ đến, người nhà nhất quyết không cho khám nghiệm. Có những vụ việc nạn nhân đã chôn được vài tháng lại phải khai quật lên. Mùi của xác đang phân huỷ khiến không ít bác sĩ chùn chân mà bỏ nghề.

Bác sĩ Châu và bác sĩ Dũng cho rằng, lúc đó không yêu nghề, không có đam mê thì ai cũng bỏ bởi vất vả là thế.

 

Đỏ mắt tìm người kế cận

Bác sĩ Dũng tâm sự, bao nhiêu năm nay, hễ trò chuyện với báo chí là ông lại “than khổ” cho ngành, khiến cho các học trò của ông thường thổ lộ với ông rằng “thầy đã vào bể khổ sao còn muốn bọn em vào cùng”.

Không phải ngẫu nhiên khi nghề bác sĩ pháp y lại không thể tuyển được người bởi hàng loạt những khó khăn của nghề cộng với đãi ngộ của ngành còn thấp.

Từ năm 2010 đến nay, Viện Pháp y Quốc gia liên tục tuyển nhân sự nhưng chưa năm nào đủ chỉ tiêu.

Theo ông Ngô Hường Dũng, nguyên nhân chính bởi quan niệm xã hội quá nặng nề với nghề này. “Xã hội nhìn nhận nghề giám định pháp y chỉ có duy nhất việc khai quật mồ mả và mổ xác chết mà không hiểu hết đóng góp sâu rộng của nó với cuộc sống, công lý. Nhiều bậc phụ huynh không muốn con sau nhiều năm học ở trường y danh giá lại ra làm công việc này.

Trong khi đó, đến nay nghề pháp y đã đứng bằng “kiềng ba chân”, đó là pháp y truyền thống, độc chất Hóa pháp, y sinh học di truyền. Cả ba yếu tố này hỗ trợ cho nhau, nhất là về y sinh học di truyền. Bác sĩ pháp y đã không còn chỉ là những người đi “khai quật mồ mả” như người ta vẫn nghĩ nữa.

Nhằm khắc phục tình trạng thiếu hụt trầm trọng bác sĩ pháp y, Viện Pháp y Quốc gia đã xây dựng “Đề án phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2015-2020”. Mục tiêu của đề án là đào tạo được 7 tiến sĩ, 10 bác sĩ chuyên khoa cấp II, 80 thạc sĩ và bác sĩ chuyên khoa cấp I cùng hơn 300 người được đào tạo đại học hệ liên thông...

Rồi, sinh viên tốt nghiệp đại học hệ chính quy loại giỏi sẽ được hỗ trợ ngay 20 tháng lương tối thiểu nếu đăng ký làm việc và cam kết làm việc lâu dài. Tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp II đăng ký hoặc về làm việc lâu dài trong chuyên ngành pháp y sẽ được trợ cấp ưu đãi ban đầu với số tiền bằng 50 lần mức lương tối thiểu; với thạc sĩ và bác sĩ chuyên khoa cấp I là 40 lần…

Hấp dẫn là vậy nhưng chỉ xem con số tuyển dụng trong 3 năm gần đây không hề khả quan. Năm 2013 tuyển được 1 cán bộ. Năm 2014 không tuyển được ai. Năm 2015 tuyển được 2 cán bộ, chưa vội mừng thì đã họ chia tay. Năm 2016 mới tuyển được 2 người và vẫn phải động viên anh em và mở ra một tương lai tươi sáng để anh, em về làm việc có động lực và yêu nghề.

 

Theo Infonet.vn


Đóng góp & Phản hồi bài viết:

Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để được rõ nghĩa hơn.

Các bài viết khác

Khai quật tử thi, lộ mặt gã chồng hiểm độc (7/6)

Lãnh đạo Văn phòng Bộ Y tế làm việc với đoàn Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (7/6)

Khai mạc triển lãm Quốc tế chuyên ngành Y dược Việt Nam lần 23 (12/5)

Công đoàn Viên chức ngành Y tế Việt Nam: Biểu dương điển hình giỏi năm 2016 (11/5)

Gần 80% nhân viên nhiễm khuẩn bệnh viện chưa được đào tạo cơ bản (5/5)

Lần đầu tiên ứng dụng kỹ thuật xét nghiệm máu tiên tiến tại Việt Nam (29/4)

Việt Nam đã xuất hiện muỗi kháng hóa chất, có nguy cơ lan rộng (29/4)

Đại học Y Hà Nội: Không quá 10% chỉ tiêu tuyển thẳng cho mỗi chuyên ngành (29/4)

Lễ ra quân chương trình “Tiếp sức người bệnh” năm 2015 (6/7)